HELENA PETROVNA BLAVATSKY-CH 4-5

CHƯƠNG IV
Âu Châu

Ngay khi vừa hồi phục, Helena rời Caucasus sang Ý năm 1864 rồi sau đó Hy Lạp, Ai Cập, Lebanon, Syria. Ta có nhân chứng ghi lại rằng khi họ du hành trong những nơi này, tên của cô được nhiều người nhắc tới, và cô tỏ ra có hiểu biết tường tận về nhiều nếu không phải là tất cả nghi lễ, kinh điển của phái Druze (một giáo phái huyền bí ở Lebanon và Syria). Năm 1866 Helena trở về với gia quyến ở Tiflis, và khoảng đầu năm 1867 thì du hành vùng Transylvania và Serbia. Sau đó Helena mang Yuri đi chữa bệnh tại Bologna, Ý nhưng không thành, đứa trẻ qua đời và được chôn cất ở một làng nhỏ miền nam nước Nga. Cuối năm 1867 Helena trở lại Ý, tham gia vào quân cách mạng của Garibaldi nhằm thống nhất nước này, bị thương nặng trong trận đánh tại Mentana gần Rome vào tháng 11, 1867.
Năm 1868, từ Florence Helena được lệnh của đức M đi sang Tibet qua ngã Serbia, Constantinople và đến Tibet vào mùa thu, đây là lần thứ ba cô tới nơi đây. Tổng cộng thời gian Helena ở Tibet trong trọn đời mình tính ra hơn bẩy năm, tuy không phải là bẩy năm liên tiếp. Theo với thời gian ta có một số chứng cớ xác nhận việc ấy, thí dụ trong quyển Tibetan Book of the Dead của W.Y.Evans–Wentz (1927), một học giả nổi tiếng về Tibet, có vị lama cho rằng các tác phẩm của HPB chứng tỏ bà có hiểu biết thâm sâu, về những giảng dạy dành cho hàng lama cao cấp, giống như lời bà hay nói là mình được truyền dạy những hiểu biết đó.

Tibet

Đức M ngụ gần tu viện Trashi Lhunpo ở Shigatse, nơi làm việc của vị Panchen Lama (còn gọi là Tashi hay Teschu Lama tức Ban Thiền Lạt Ma).Trashi Lhunpo nằm cách thủ đô Lhasa chừng 240 cây số về hướng tây tây nam. Vào thời đó vị Lama này cùng với đức Dalai Lama cai trị Tibet, về mặt chính trị đức Dalai Lama được xem cao hơn đức Panchen Lama, còn về mặt tôn giáo thì hai vị ngang nhau. Tuy nhiên do vai trò của vị Panchen Lama nặng tính chất tinh thần hơn, nên dân chúng có khuynh hướng xem vị Dalai Lama là chủ tể đất nước, còn vị Panchen Lama là vị lãnh đạo tinh thần của Tibet.
Nơi cư ngụ của đức M là một căn nhà bên sông chảy giữa vách núi cao. Ngài xếp đặt cho Helena ngụ tại nhà đức K.H., có chị của đức K.H. ở cùng. Ngoài Helena hằng ngày còn một số tăng sinh Tibet thuộc phái mũ vàng (Gelukpa) cũng đến thụ giáo với đức K.H. Họ ngồi xếp bằng chung quanh ngài theo hình bán nguyệt, và khi trời đẹp thì buổi học diễn ra ngoài trời. Trong số này người tiến bộ nhất là đức D.K khi ấy 15 tuổi. Chuyện kể gia đình không muốn ngài vào chùa theo học với đức K.H. nhưng ngài nhất quyết làm theo ý nguyện. Ông nội không hài lòng nên truất quyền thừa kế của cháu, vì chuyện này đức D.K. được gọi một cách thân mật là kẻ bị truất thừa (the Disinherited).
Helena đến thăm tu viện Trashi Lhunpo và mô tả chi tiết cấu trúc của cơ sở như đền thờ, mái cong, đường trải đá dẫn tới thềm xây cao của tu viện. Đặc biệt mái dát vàng và uốn cong ở góc theo kiểu nóc của chùa Trung Hoa, với trang trí tam giác có khối cầu, hình rồng và chữ vạn đứng trên ba trụ nhỏ bên trên nóc tu viện. Kẻ chỉ trích HPB cho rằng bà không hề đến Tibet, mà sao chép lại những chi tiết trên từ du ký của người khác thí dụ giáo sĩ Huc (đến Lhasa năm 1845 - 6), hay George Bogle thuộc sứ bộ Anh đến đây năm 1777. Tuy nhiên giáo sĩ Huc không hề đến Trashi Lhunpo hay Shigatse và do đó không mô tả nơi đây. Bogle cũng vậy, cũng không nói gì đến mái tu viện. Lời mô tả của HPB là cái đầu tiên và duy nhất nói về trang trí của mái; mãi cho đến sau khi bà qua đời mới có sách của một tác giả khác xuất bản (Sarat Chandra Das, 1902), viết về tòa nhà này và có hình về nóc với trang trí tam giác. Họa đồ trong sách phù hợp với chi tiết bà đưa ra, những chi tiết mà bà không thể biết nếu không đến gần quan sát.
Helena được học hỏi kinh sách của tu viện, viết bằng cổ ngữ Senzar. Cô học thuộc, nhớ nằm lòng ý nghĩa của chúng để sau này tặng lại cho đời qua bộ The Secret Doctrine, quyển The Voice of Silence. Cô không chỉ cư ngụ có nơi này mà đi thăm thú nhiều chỗ trong Tibet. Vào đầu thế kỷ 20 một thiếu tá người Anh tên Cross, quản lý vườn trà và những vườn tược khác cho đức Dalai Lama,, do công việc đi tới miền đông bắc Tibet, nghe nói về một phụ nữ da trắng đã tới cư ngụ tại một tu viện lama ở miền bắc vào khoảng năm 1868, đó hẳn phải là tu viện Kum Bum, sinh quán của đức Tsongkapa vị cải tổ Phật giáo Tây tạng. Nhiều cụ già đoan quyết với thiếu tá Cross là đã gặp mặt phụ nữ, và ông Cross xác định đó là HPB.
Một vài điều liên quan đến thời gian học hỏi này của Helena đáng ghi lại ở đây. Nói về cổ ngữ Senzar, Helena học nó ngoài việc để đọc được kinh sách xưa mà còn vì lý do thiết thực khác, đó là để sau này có thể liên lạc một cách an toàn với các Chân sư khi làm việc ngoài đời. Ông Olcott thuật rằng khi HBP viết cho các ngài hay các ngài viết cho bà, về những chuyện không muốn để người khác biết, cả hai bên dùng Senzar với HPB viết nó thông thạo như viết tiếng Nga, Pháp hay Anh. Có lần tại Ấn Độ có người lấy trộm một tờ giấy viết tay của bà, nói rằng đây là mật mã gián điệp Nga sử dụng. Họ đem tới cho cảnh sát lúc ấy thuộc nhà cầm quyền Anh, để các chuyện gia lành nghề xem tới lui mà không đoán ra giấy viết điều chi. Với HPB thì chuyện thật giản dị, nó chỉ là bản thảo viết bằng chữ Senzar và bà thách thức mọi người đọc được nó, bảo rằng chỉ có huyền bí gia Tây tạng mới hiểu được chữ.
Ta cũng có thể tò mò muốn biết Helena nói chuyện với thầy của mình bằng ngôn ngữ gì. Các Chân sư M và K.H. người Ấn, đức M biết Anh văn nhưng không thông thạo bằng đức K.H., vị sau cũng rành Pháp và Đức ngữ, và đức D.K. lại giỏi Anh văn hơn cả đức K.H.; với đức M. Helena dùng Anh văn nhưng bảo rằng việc mình nói dở hay hay không quan hệ chút nào, chính ngài thì Chân sư không nói tiếng Anh nhưng hiểu trọn những ý tưởng Helena phát ra trong trí, cũng như Helena được làm cho hiểu ý ngài. Bằng cách nào thì Helena chịu thua, không thể giải thích được. Với đức K.H. Helena dùng Anh văn và đây là chuyện thú vị. Helena cải thiện khả năng Anh ngữ của mình trong thời gian học hỏi với ngài, và nhiễm lối dùng chữ của Chân sư, cô dịch kinh điển viết bằng tiếng Senzar sang Anh văn và trình cho ngài sửa lại. Vì thế sau này khi có cáo buộc là HPB viết những bức thư ký tên đức K.H. thì giải thích không khó, thư của ngài dùng chữ HPB hay dùng, viết kiểu HBP hay viết chỉ vì HPB học cách nói của ngài nên viết giống theo, tức muốn nói cho đúng thì HPB dùng chữ và có cách viết giống ngài, mà không phải ngược lại.
Điểm thú vị khác là về tu viện Trashi Lhunpo, nhiều năm sau (1886) ông Franz Hartmann nhận được thư của một Chân sư. Muốn tìm hiểu thêm về các ngài, ông đưa thư cho một phụ nữ dùng thuật linh thị  (psychometry) để mô tả chi tiết quanh bức thư. Sự việc diễn ra tại Đức và người này không hề biết hội, bà chỉ là dân quê chất phác ít học nhưng có khả năng tâm linh. Bà cầm lấy thư và nói rằng thấy cảnh một đền thờ, mô tả chi tiết rõ ràng tu viện Trashi Lhunpo giống như HPB đã ghi, vẽ lại trang trí trên tường của tu viện. Trang trí này là những đại tự bằng tiếng Tây tạng và dù không rành ngôn ngữ đó, người phụ nữ Đức cũng vẽ lại tổng quát hàng chữ cho ông Hartmann. Ông viết thư thuật lại cho HPB lúc ấy 1886 đang ở tại Ostende, Bỉ, nhưng không đưa hình vẽ. Trong thư trả lời bà xác nhận chi tiết của người trên, nhưng cái đáng nói là bà vẽ lại trang trí của tường theo trí nhớ mà khi so sánh với bức vẽ của phụ nữ Đức, ông Hartmann thấy giống nhau một cách lạ lùng.
Việc quan trọng với Helena trong thời gian này là được học hỏi cùng đức M và đức K.H., điều mà cô hằng ao ước, đây cũng là lần đầu tiên cô gặp đức K.H. Ta không rõ Helena ở Tibet bao lâu, ít nhất là tới cuối năm 1870 vì có câu chuyện sau. Tại Nga, gia đình cô ở Odessa từ lâu không có tin tức gì, không biết Helena đang ở đâu nên rất lo lắng. Họ tìm kiếm mà không có tăm hơi thế nên sẵn lòng tin rằng Helena đã chết. Ngày 11 – 11 - ,1870 bà dì Nadyezhda có khách là một người đàn ông Á châu, đến trao cho bà bức thư và biến mất ngay trước mặt. Thư bằng Pháp ngữ nay còn lưu tại British Museum, viết như sau:
– Thân quyến đáng trọng của Mad. H. Blavatsky không có gì phải mất hy vọng là không còn gặp lại cô nữa. Con gái và cháu gái của họ chưa rời khỏi đời này mà đang sống, và muốn thân nhân cô thương mến biết rằng cô mạnh khỏe và rất sung sướng ở nơi ẩn cư cô đã chọn. Cô đau ốm nhưng nay đã qua khỏi nhờ sự phù hộ của đức Sangya (Phật), cô có bạn hết lòng với cô, săn sóc cho cô về cả vật chất và tinh thần. Xin quí phu nhân trong gia đình cô hãy yên tâm, chưa đến 18 tuần trăng sau cô sẽ về lại nhà.
Thư không ký tên nhưng nét chữ là của đức K.H. và có ý kiến nói rằng người mang thư là đức M, vì lời mô tả của Nadyezhda phù hợp với hình dạng ngài, cũng như về sau ngài cho hay là đã có gặp Nadyezhda.
Khoảng một tháng sau đó, Helena chào từ biệt mọi người: hai Chân sư, chị của đức K.H. và con của bà, các tăng sinh đệ tử hai ngài và rời Tibet.

CHƯƠNG V
Trở Lại Thế Giới

Trên đường về tầu chở Helena qua vịnh Suez năm 1870, tức năm sau khi kinh đào mở cửa, mang cô đến Hy Lạp rồi Cyprus gặp Chân sư Hilarion. Ta được biết ngài gốc Cyprus và đã có liên lạc với Helena từ lâu (1860), trước khi cô sang Tibet năm 1867. Kế đó Helena trở lại Hy Lạp và rồi sang Cairo, nơi đây cô làm quen với hai người (lúc này chưa thành hôn nhưng về sau là ông bà Coulomb) sẽ tạo nên biến cố về sau trong hội. Helena ở lại Cairo từ khoảng tháng 10–1871 đến tháng tư 1872, trong thời gian này cô có nỗ lực đầu tiên nhằm trình bầy cho xã hội biết có thế giới khác ngoài thế giới hữu hình. Thuở ấy Thông linh học (Spiritualism) được chú ý nhiều, vì một số người đồng nói rằng họ có thể liên lạc với người đã khuất, (tức quan tâm về cõi vô hình và thắc mắc về việc có đời sống sau khi chết hay không của xã hội bấy giờ), hay có khả năng làm những hiện tượng không giải thích được theo sự hiểu biết khoa học bấy giờ như hiện hình, hiện đồ vật (tức những quyền năng ẩn tàng trong con người).
Nương theo thị hiếu đó Helena lập hội về thông linh, gọi là Société Spirite, với mục đích nghiên cứu chuyện đồng cốt và việc tạo hiện tượng. Hội hoạt động chưa được hai tuần thì đóng cửa, lý do là Helena mướn đồng cốt để biểu diễn, nhưng thay vì tạo hiện tượng thật sự thì họ làm giả hiện tượng để gạt khách đến xem, uống rượu như hủ chìm và thụt két. Helena bị xem là có trách nhiệm việc lường gạt nên tức giận cho những người đồng nghỉ việc, và rất bực bội vì bị mất tiền mướn cơ sở, bàn ghế. Cô tự hứa sẽ không bao giờ mở những buổi lên đồng nữa một phần vì chúng quá nguy hiểm, phần khác cô chưa đủ kinh nghiêm và đủ mạnh, để kiểm soát những vong linh có thể ám ảnh khách đến xem trong buổi cầu hồn. Nguy hiểm sinh ra vì vong linh có thể nhập vào khách đế thỏa mãn đòi hỏi lúc còn sống, như Helena chứng kiến việc một thiếu nữ hiền lành tìm cách liên lạc với thế giới bên kia. Cô bị vong linh nghiện rượu nhập vào đòi uống rượu, thiếu nữ uống một cách thèm khát hết ly rượu và thúc hối mang thêm rượu ra, đòi uống nhiều ly nữa. Cô uống hết ly này tới ly kia, cuối cùng ngã lăn bất tĩnh và đau nặng nhiều tuần.
Chuyện đồng cốt, cầu hồn là điều HPB luôn đả phá mạnh mẽ, hội Société Spiríte được lập chỉ vì nó là phương tiện thuận lợi bấy giờ, làm con người chú ý đến cõi vô hình, là bước đầu tiên dẫn dụ họ vào hiểu biết sâu xa hơn về hiện tượng, không khác gì kẹo ngọt thu hút trẻ con học hành. Khi lập hội Helena có những chủ ý khác, như ta sẽ thấy về sau ở New York với tổ chức tương tự, mà không phải chỉ thuần vào chuyện hiện hình, triệu vong linh. Nó giống như chủ trương của Phật giáo là tùy duyên hóa độ, tùy phương tiện và trình độ của xã hội đương thời mà trình bầy Phật pháp, ở đây là MTTL. Sự việc được giải thích thêm là trong những buổi cầu hồn như vậy, với người đồng ở giữa vòng và khách dự ngồi chung quanh, bầu không khí như một xoáy nước đầy từ lực xấu, tinh linh mà khách tưởng là linh hồn người chết thu hút sinh lực của khách vào người chúng, lôi kéo khách xuống trình độ thấp kém của sinh vật.
Sau nỗ lực đầu tiên lập hội bất thành, Helena về với gia đình ở Nga năm 1872 nhưng ở lại nhà không lâu. Cô du lịch Âu châu trong năm 1872 - 73 lần nữa, và có tài liệu ghi rằng trong thời gian này Helena điều khiển ban hợp xướng hoàng gia của Serbia, mở những buổi trình tấu dương cầm tại Anh, tuy nhiên chưa ai kiếm chứng được những điều ấy và thời điểm xem ra không đúng. Mặt khác, nhiều người cùng thời nhìn nhận khả năng chơi đàn của cô, như nói HPB khi hứng sẽ ngồi vào đàn dạo rất điêu luyện, chứng tổ tài năng thiện xảo cao độ vì thỉnh thoảng mới chơi. Khi khác nếu Chân sư sử dụng thân xác của bà và chơi đàn, người nghe tưởng như được thưởng thức khúc nhạc trời du dương tuyệt kỹ.
Năm 1873 vào tháng ba hay tư, từ Odessa Helena đột ngột đi Paris, ngụ tại đó với anh em họ và sang tháng 7 thì đi New York. Gia đình rất ngạc nhiên vì Helena không đưa ra lời giải thích nào, chỉ khi đã sang Hoa Kỳ (1873 - 4) cả nhà mới lần đầu tiên được thư cô viết nói về thầy của mình, rằng cô được lệnh Chân sư đi Mỹ mà không cho biết lý do. Cô bảo mình không nói gì về các ngài cho gia đình hay vì cả nhà sẽ không hiểu, không tin và Vera xác nhận tự nhiên là vậy. Thí dụ khi về với gia đình năm 1872 ở Odessa, và được nghe thuật lại về lá thư của đức K.H., Helena giải thích cho bà dì Nadyezhda rằng thư ấy không phải là của người khuất mặt, đưa bằng cớ các Chân sư là người sống bằng xương bằng thịt, thì bà dì tin các nhân vật này chỉ là ma quỷ, hay bán linh hồn cho Satan. Bà dì là người có thiện tâm, hiền lành, nhút nhát rất được Helena thương mến, nhưng từ đó cô ngậm miệng không nói thêm với bà dì về các Chân sư.
Tuy thế Helena hăng hái bênh vực các ngài, bảo với gia đình rằng Chân sư (đức M) rất đỗi kính trọng lời dạy của đức Chúa. Cô thuật là trong thời gian tại Tibet, có lúc cô ở bẩy tuần liền trong rừng gần dãy núi Karakoram, chỉ có một mình tách biệt hẳn với thế giới nhưng hằng ngày được Chân sư đến thăm, ở đó Helena được cho thấy một đền thờ trong hang chứa nhiều tượng của các đấng huấn sư cao cả trên thế giới, trong số có tượng của đức Chúa mô tả phút ngài thứ tội cho Mary Magdalene, tượng đức Phật hứng nước trong lòng bàn tay cho một người hành khất uống, và tượng đức Ananda uống nước từ lòng bàn tay một cô gái điếm thuộc giai cấp hạ tiện. Ngày nay khi có khám phá hằng trăm hang động với các tượng Phật, Bồ Tát, tranh vẽ đầy mầu sắc hết sức sống động ở Đôn Hoàng, trong sa mạc phía tây của Trung Hoa, lời kể của Helena không còn nét hoang đường nữa. Nói thêm về Nadyezhda, dù có ngộ nhận trên ta ghi rằng nhiều năm về sau, bà Nadyezhda sinh hoạt trong chi bộ hội tại Odessa và có lần làm chi trưởng.
Trở lại chuyện, Helena thuật rằng một hôm tại Paris, cô được lệnh của Chân sư đi New York và chờ lệnh khác tại đó. Helena lập tức lấy vé hạng nhất sang New York, trên tầu khởi hành ngay hôm sau tại Le Havre, trong túi chỉ dư được vài đồng. Khi sắp xuống tầu cô thấy một thiếu phụ với hai con nhỏ ngồi khóc trên bến, Helena hỏi:
– Tại sao chị khóc ?
Thiếu phụ đáp rằng chồng mình gửi tiền từ Hoa Kỳ cho gia đình sang đoàn tụ với ông. Bà chỉ đủ tiền mua vé hạng ba dưới hầm tầu nhưng khi soát vé thì hóa ra là vé giả, nay bà hết sạch tiền và bơ vơ ở chỗ xa lạ. Helena lập tức đáp:
– Chị theo tôi.
Cô tới phòng bán vé, đổi vé hạng nhất sang vé hạng ba ở hầm tầu cho chính mình và gia đính thiếu phụ. Ta có nói Helena lên đường với rất ít lộ phí, đó là tiền riêng của cô còn ngoài ra cùng với lệnh của Chân sư cô được giao một khoản tiền lớn (25.000 francs) để mang sang Hoa Kỳ, và sẽ có chỉ dẫn cách dùng khi tới nơi. Đối với Helena cô luôn vâng lời của thầy nên làm theo không thắc mắc. Câu chuyện đổi vé được lộ ra khi tầu đến New York, một ký giả xuống tầu phỏng vấn những di dân mới đến Hoa Kỳ, được nghe chuyện là có phụ nữ quí tộc người Nga đi vé hầm tầu để giúp người khác. Cô tìm hiểu thêm và viết bài tường thuật trên báo ngày 26 - 9 - 1873.

Thông Linh Học (Spiritualism)

Có lẽ nên nói qua một chút về hoạt động của phong trào Thông linh học vào thời của bà Blavatsky, tức thế kỷ 19. Giống như nhiều việc khác, phong trào được thành lập do nỗ lực từ bên trong. Ta được biết vị Chân sư khởi xướng là đức Hilarion, đứng đầu cung Khoa Học tức cung 5, trong kiếp hiện thời sinh quán của ngài là đảo Crete và tiền thân của ngài là thánh Paul. Công việc chính yếu của Chân sư về mặt này, liên quan đến những khả năng siêu hình, và sự phát triển các khả năng ấy trong một số người. Nguyên do xa của Thông linh học liên hệ đến Thiên Chúa giáo và giống dân thứ năm. Thiên Chúa được thành lập phần lớn cho người có lòng sùng tín, dầu vậy có nhiều người đi kèm theo lòng sùng mộ và khuynh hướng tôn giáo là trí óc suy luận mạnh mẽ, họ cần một sinh hoạt có tính chất khoa học, do đó Thông linh học được gợi hứng để đáp lại nhu cầu đó. Phương pháp mà khoa này sử dụng vẫn còn nằm trong giai đoạn sơ khai, chưa kiện toàn và đang phát triển cả ở cõi trần và những cõi thanh.
Thông linh học bị chế diễu và mang nhiều tai tiếng, vì người ta chưa biết rõ cách luật tác động ở những cõi của sự sống. Người dễ tin đi cầu hồn, cho rằng linh hồn ai đã khuất ở thế giới bên kia, có thể liên lạc với người còn sống qua trung gian đồng cốt và đưa tin chính xác, nhưng đó là niềm tin sai lầm. Thí dụ hay thấy là hai người bạn thân giao ước với nhau, hẹn là ai qua đời trước sẽ về liên lạc với người còn sống, tuy nhiên chuyện không thành. Lý do không phải là vì không có sự sống sau khi chết, mà chỉ vì hai người này không biết những khó khăn khi muốn làm vậy. Thường thường ai có thắc mắc về việc này có trí suy luận mạnh và ít cảm xúc, tính chất ấy chỉ làm công chuyện khó hơn. Người thiên về lý trí khi qua đời sẽ ngụ ở cõi tình cảm trong thời gian rất ngắn, không đủ cho họ học kỹ thuật liên lạc với cõi trần. Sau đó họ mau lẹ sang cõi hạ trí và nếu muốn liên lạc với bạn còn ở cõi trần, họ phải học cách tiếp xúc từ cõi trí.
Tuy vậy trong buổi đầu của Thông linh học cũng như ngày nay, đa số đồng cốt không thể truyền thông tin từ cõi khác ngoài cõi tình cảm, ai ở cõi trí phải dùng 'trạm tiếp vận', và khi tin truyền đến người dự buổi cầu hồn thì nó đã biến thể ít nhiều, có khi tới mức chỉ là lời đầu Ngô mình Sở không nghĩa lý. Ai đầy lòng nghi ngờ chuyện vô hình sẽ xem đây là bằng chứng, để cho rằng Thông linh học là vô giá trị và bác bỏ khoa này, còn nếu dùng hiểu biết về huyền bí học thì ta có thể giải thích như sau. Đồng cốt thường chỉ tiếp xúc được những cảnh thấp của cõi tình cảm, đây là chỗ cư ngụ của đa số người đã khuất, có ít trí thông minh và phần tinh thần chưa phát triển mạnh. Khi có dịp tiếp xúc với cõi trần qua đồng cốt, người đã khuất mà có khuynh hướng giảng đạo sẽ nắm lấy cơ hội để 'giảng chân lý', lập lại những khuôn sáo đạo đức có thể được tìm thấy trong bất cứ sách vở đạo lý nào dưới trần, nói khác đi không có gì sâu xa huyền diệu nhưng được mạnh mẽ tuyên bố, tự xưng mình là thần thánh thậm chí cả Thượng đế, khiến người nghe mà không có óc phân biện tưởng thật. Trên thực tế những lời này không hề là dấu hiệu của một linh hồn tiến hóa, bởi ta chớ quên rằng những đấng cao cả làm việc từ cõi trí trở lên, và phần việc của con người là phát triển khả năng để tiếp xúc được với các ngài ở nơi đây, hoạt động ở cõi của các ngài mà không phải ngược lại.
Vị Chân sư coi sóc phong trào Thông linh học đang nỗ lực phát triển một kỹ thuật để giúp con người liên lạc được với cõi trí thay vì cõi tình cảm, nơi đầy huyễn mộng và cảm xúc. Vài phần của kỹ thuật này là người đồng cần có học thức rộng, có văn hóa, họ càng phát triển chừng nào thì việc làm trung gian càng chính xác chừng ấy. Phần khác là tạo bầu không khí thích hợp cho việc liên lạc với cõi trí, tức chơi một loại nhạc trước buổi cầu hồn, nhằm làm dịu xuống và hòa hợp thể tình cảm của người dự, để không có cảm xúc thiếu kiểm soát thu hút các thực thể ở cõi tình cảm. Chi tiết thêm về việc này có thể đọc trong hai quyển:
– An Outline of Modem Occultism by Cyril Scott.
– Through the Eye of the Masters by David Anrias.
Nguyên do gần của việc thành lập Thông linh học, là để làm đảo ngược lại khuynh hướng vô thần của thế kỷ 19. Thế kỷ 19 là lúc có nhiều tiến bộ khoa học đầy hứng thú, làm cho một số người nghi ngờ tín điều vô lý của tôn giáo, chỉ trích tín điều khó chấp thuận của tôn giáo và chọn thuyết vô thần. Việc đáng nói là chủ trương vô thần tự nó cũng được các Chân sư gợi hứng, để làm quân bình niềm tin tôn giáo khe khắt trong xã hội tây phương bấy giờ, nhưng óc vô thần phát triển quá độ và có vẻ đi xa hơn dự tính cho nó, vì vậy Thông linh học được khai sinh để giảm bớt phần nào tính vô thần.
Giải thích thêm thì nhiều người vô thần tin tưởng mạnh mẽ rằng không có Thượng đế, linh hồn, hay đời sống sau khi chết. Theo họ thì chết là... hết chuyện. Nhìn về mặt huyền bí học, quan điểm này cho ra kết quả không thuận lợi chút nào khi họ qua đời, nếu ai đó nhất quyết bác bỏ việc có sự sống ở bên kia thì sau khi rời bỏ xác thân, họ sẽ say ngủ trong lớp vỏ hay hình tư tưởng do chính mình tạo ra, hoàn toàn bị cắt đứt với tâm thức của linh hồn trên cao, cũng như khung cảnh chung quanh cho tới khi hình tư tưởng ấy tan rã. Đó là karma của đầu óc khăng khăng không tin, và thường khi sự bác bỏ này là nhân quả của việc lạm dụng hiểu biết huyền bí trong quá khứ. Vào thế kỷ 19 con số người duy vật đi quá trớn thuộc loại này tăng lên, khiến theo quan điểm của Chân sư thì để Thông linh học phát triển là điều nên làm. Say ngủ nhiều năm là việc vô ích và uổng phí thời gian, làm trì trệ đáng kể sự tiến bộ; mà nhiều linh hồn tự tạo cho mình điều ấy thường không phải là người tiến hóa thấp, họ có thế rất hữu dụng ở cõi cao nên tình trạng này tránh được chừng nào tốt chừng ấy. Nếu con người muốn ngoan cố, thì tốt hơn để họ ngoan cố về chuyên có thế giúp họ hơn là chuyện có thể ngăn trở họ. Thuyết duy vật sẽ không hề giúp cho cá nhân hay nhân loại được hạnh phúc và tiến bộ, nhưng Thông linh học có thể làm được cả hai việc này.
Nguyên nhân gần khác là đức Di Lặc hay đức Chúa, do thấy trước việc sẽ có hai thế chiến I và II, muốn có một phong trào có thể mang lại an ủi cho người còn sống, theo cách mà Thiên chúa giáo không làm được. Linh mục và mục sư tuy giảng về cõi thiên đàng và sự tái hợp với người mà ta thương mến, nhưng chưa vị nào đã qua cõi thiên đàng và trở về, kể chuyện mắt thấy tai nghe cho tín đồ hay, làm bằng chứng cho lời thuyết giảng của mình. Khi gặp tai biến như hai thế chiến, con người không còn thỏa mãn với lời hứa mơ hồ, mà muốn có bằng chứng hiển hiện là họ có thể liên lạc với thân nhân đã qua đời. Rồi ta phải kể đến hàng ngàn kẻ đau khổ vì mất người thân, mà tôn giáo và tín điều mất sức hấp dẫn với họ. Vì thế mà có phong trào Thông linh học cùng rất nhiều sách vở, nói về đời sống sau khi chết không theo quan điểm của tôn giáo, trong đó có hai quyển mà PST cho đăng là 'Bài Học Nhân Quả' và 'Hành Trình một Linh Hồn', nay đã mang lên website này. Sang cuối thế kỷ 20, ta có một loạt sách khác nói về kinh nghiêm cận tử (near death experience), tức là nỗ lực khác nhằm ngăn chặn thuyết duy vật, và đưa bằng chứng về cõi vô hình, sự sống bất tử. Nói chung nhiều người thấy những sách loại ấy đáng tin, nó làm họ suy nghĩ và khiến họ tìm hiếu sâu xa hơn. Về điểm này vị Chân sư nói ở trên cũng đóng vai trò tích cực, trong nhiều trường hợp ngài gieo vào trí của thi sĩ và văn sĩ ý tưởng triết lý cao đầy thi vị, để những người này diễn đạt lại theo khả năng của họ qua thơ văn.

Lời Đồn Đãi.

HPB du hành luôn từ năm rời Nga 1849 cho đến 1873. Đặc điểm những chuyến đi này không phải là du lịch mà là tìm hiếu về hoạt động huyền bí, cùng học hỏi chuyện tâm linh ở các nơi trên thế giới. Helena gặp người da đỏ tại Mỹ châu, tới những nơi xa xôi vắng vẻ của nam Mỹ, sang Ấn Độ và Tibet vài lần, đi tới cả Cam Bốt. Có vẻ như đây là giai đoạn chuẩn bị cho việc làm sau này của Helena khi thành lập hội. Trên đất Mỹ hoạt động của Helena bước sang giai đoạn khác và có tính chất khác, không kém phần ly kỳ lạ lùng như đoạn đời của cô trước 1873. Do việc làm của mình HPB bị một số người chỉ trích, và họ tìm cách hạ uy tín của bà như làm lan truyền những chuyện không có thật. Vì vậy trước khi tiếp chuyện của Helena tại New York, ta ngưng tại đây một chút để nói tới các đồn đãi về HPB trong giai đoạn trước 1873.
Gia đình của Helena là nạn nhân trực tiếp của lời dồn đãi, vì họ thuộc dòng dõi quí tộc có địa vị trong xã hội Nga (ông ngoại, chú, bác, cậu là tướng, em họ Helena về sau là bộ trưởng, rồi thủ tướng đầu tiên của Nga Sergei de Witte, với mẹ của Sergei là Catherine em gái của mẹ Helena). Việc cô nhiều năm ở ngoài nước xa nhà, du hành những chỗ hẻo lánh xa cách thế giới văn minh, cho người ác ý cơ hội để thêu dệt điều không thật về Helena. Bà dì Nadyezhda viết:
– Thân quyến của HPB rất ngạc nhiên và đau lòng, khi đọc những bài nói là tiểu sử của Helena, ghi rằng cô được giới thượng lưu sang trọng lẫn giới hạ lưu thấp kém (hàm ý làm điếm) biết đến ở Vienna, Berlin, Warsaw và Paris, gán ghép tên của Helena với sự việc và chuyện kể tại những thành phố ấy, vào lúc mà gia đình có bằng chứng rất rõ là cô ở xa Âu châu. Những chuyện kể này nói luông tuồng về Helena, cho cô đủ các tên như Julie, Nathalie v.., thấy ngay đó là những người khác có cùng một họ Blavatsky.
Đối ngược lại thì ngay trong lúc HPB còn sống và sau khi bà qua đời, nhân chứng từng gặp bà trong những cuộc du hành ở Âu, Á và nam Mỹ lên tiếng, đưa ra bằng cớ hỗ trợ cho những gì HPB viết về hoạt động của mình trước 1873. Người đồng thời đã gặp Helena tại Cairo nay cư ngụ tại New York và tiếp tục liên lạc khi cô tới đây, viết:
– (HBP bị nhầm lẫn với nhiều người) Chỉ mới tuần qua (1877) tôi nhận được thư từ Aden, Arabia, hỏi bà Blavatsky viết bộ Isis, có phải là bà Blavatsky thật sự có nhiều người quen biết ở Cairo mấy năm về trước hay không, vì người bạn cho hay là bà Blavtsky thật sự đã qua đời ở Aden năm 1868. Chuyện nhầm lẫn này vỡ lẽ khi nữ bá tước Lydia de Pashkoff, người du hành nhiều năm và là hội viên của Geographical Society of France, biết một phụ nữ tên Nathalie Blavatsky mất tại Aden. May mắn là nữ bá tước cũng biết HPB, từng gặp bà tại Syria, Ai Cập và nhiều nơi khác ở đông phương.
Năm 1875 người khác viết cho ông Olcott, rằng năm 1873 họ qua Paris học đại học và quen biết Helena ở đó. Khi ấy Helena cư ngụ tại nhà của một người bà con, và người Mỹ này thường lui tới nhà người bà con đó của Helena để thăm viếng gần như là hằng ngày, dành nhiều thời gian để trò chuyên với cô ngoài giờ học do đó quan sát được sinh hoạt của Helena tại Paris. Họ kể bà dùng thì giờ để vẽ và viết, ít khi ra khỏi nhà. Nhân vật này cho biết rất quí chuộng Helena, tư cách của cô đáng trọng và một trong những thiếu phụ đặc sắc nhất họ được biết. Khi Helena sang Hoa Kỳ năm 1873 và sau đó nhân chứng trở về Mỹ, đôi bên tiếp tục liên lạc và duy trì tình thân.
Lời vu khống khác nói Helena có nhiều người tình, có ba con và bé trai Yuri là kết quả của một trong những liên hệ đó. Trong khi ấy văn khố của hội tại Adyar còn tài liệu là sổ thông hành năm 1862, cấp cho "người vợ của ông Blavatsky và Yuri được hai ông bà bảo hộ". Mặt khác phản ứng của HPB là ý kiến mạnh mẽ, rằng đoạn đời trước 1875 khi thành lập hội là chuyện riêng của mình, không là chuyện của ai khác, và cũng vì có lắm sự việc diễn ra trong thời gian ấy, liên quan đến nhiều người nhất là gia đình tại Nga, cô sẽ không phơi trần mọi sự hay đưa ra giải thích nào. Nó chỉ gây thương tổn thanh danh những ai vô can, thí dụ cha mẹ của Yuri và thân nhân mà cô rất yêu quí.
Ta không khỏi tránh được nụ cười khi nhìn lại sự việc, Helena hứa danh dự với cha mẹ Yuri là nhận trẻ làm con, và thề thốt lắm lần với mọi người rằng Yuri là con mình để làm họ tin (ngoại trừ gia đình cô vì họ biết sự thực, biết cha mẹ của Yuri). Nay nếu muốn đính chính thì phải nói ngược lại, xúc phạm đến người đã khuất là điều cô không muốn, tóm tắt là Helena há miệng mắc quai. Bởi tính khí ngang tàng, luôn nói thẳng ý nghĩ của mình không che dấu, Helena viết cho thân hữu là ai muốn nghĩ sao thì nghĩ về lời đồn đãi, mình cóc cần (I don't care !).
Năm 1890 tờ báo New York Sun cho đăng những chi tiết không thật này, do kẻ thù của HPB cung cấp cùng nhiều vu khống khác. HPB nộp đơn kiện việc phỉ báng, nhưng trong khi chờ xử thì bà qua đời năm 1891. Theo luật vụ kiện tự động hủy bỏ và tờ báo không còn sợ có tranh cãi gì, nhưng ngày 26 - 9 - 1892 tờ Sun làm việc đáng khen là tự ý đăng trong mục xã luận lời xin lỗi sau:
– Trên một trang khác trong báo hôm nay, chúng tôi cho đăng bài của ông W.Q.Judge về cuộc đời kỳ lạ, khác thường của bà Helena P. Blavatsky thuộc hội Theosophia. Nhân dịp này chúng tôi xin ghi là ngày 20 - 7 - 1889, chúng tôi đã bị dẫn dụ sai lạc để đăng một bài của tiến sĩ E.F.Coues, có chứa đựng nhiều cáo buộc về tư cách của bà Blavatsky và những người theo bà. Các cáo buộc nay được thấy là không có căn bản vững chắc, chúng tôi muốn thưa rằng không có chứng cớ nào cho các cáo buộc ấy, và lẽ ra phải không đăng.
Một điểm cần lưu ý khi xem xét tài liệu của chính HPB để viết lại đời bà, là có lúc bà dấu địa danh chỉ viết vài chấm... trong thư từ liên lạc, hay thay nơi chốn thật bằng một tên khác, nên ta không thể có sự chính xác hoàn toàn. Lý do của sự che dấu này là đôi khi việc liên hệ đến các Chân sư, thí dụ như nơi ẩn cư hay hoạt động của các ngài, và HPB không muốn lộ cho thế giới biết chỉ gây phiền toái.
Ta cũng không thể dựa vào những chuyện HPB viết (thí dụ From the Caves and Jungles of Hindostan) để ấn định thời điểm, nơi chốn, nhân vật chính xác, vì HPB bảo rằng tuy sự kiện trong chuyện đúng thật, nhưng bà dùng quyền tưởng tượng của nhà văn, để gộp chuyện mười năm trước vào cùng với chuyện mười năm sau thành thứ tự liên tục, có mạch lạc xuôi chảy hợp lý ! hoặc tô điểm chi tiết hoa lá cành, nói nôm na là thêm mắm muối để làm chuyện hấp dẫn.
Kế đó, nhân vật Sergei de Witte cũng nên được nói thêm cho rõ. Nhiều sách vở về HPB lấy tài liệu từ sách của ông Memoirs of Count Witte, nhưng có thắc mắc nêu ra về tính xác thực của chi tiết trong sách, và ngay cả tính xác thực của tác giả, tức không biết tác giả có thực là bá tước Witte hay ai khác. Bởi sách xuất bản năm 1921 sau khi ông đã qua đời, theo bản thảo mà chữ viết không phải đều là chữ của ông. Người ta nghi ngờ rằng đó là thời chế độ cộng sản tại Nga vừa cầm quyền, họ có thể muốn làm hạ uy tín các nhân vật thuộc chế độ cũ của Nga hoàng, do đó không chừng đã sửa đổi hồi ký của bá tước Witte. Nhiều chi tiết trong sách sai lạc một cách phi lý, trong khi người ta có thể dễ dàng kiểm chứng, như nói rằng hội được thành lập tại Anh, và sau đó HPB cư ngụ tại Paris cùng qua đời ở nơi ấy.
Chót hết, hai nguồn tài liệu khác về HBP cũng bị đánh dấu hỏi về tính xác thực, đó là hai loạt thư nói rằng do HPB viết, một mang tên The Dondoukoff - Korsakoff Letters, và loạt kia trích đăng trong sách A Modern Priestess of Isis của tác giả Solovioff. Tác giả Fuller chứng minh trong sách HPB and Her Teachers rằng chúng giả mạo, với nội dung nhằm hạ uy tín của HPB, lối viết không phải là cung cách của HPB, cũng như có mờ ám trong việc thư được rao bán trên thị trường sách hiếm. Thư được tạo ra để bán cho kẻ thù của bà sau khi bà qua đời, nhưng không nhà buôn bán sách hiếm nào chịu mua vì họ nghi ngờ xuất xứ. Rốt cuộc hội được mời chào mua thư và cuối cùng được tặng không. Bởi thiếu kinh nghiêm về mặt này hội tưởng là thư thật, sử dụng chúng và in thành sách tức cuốn hai HPB Speaks. Chuyện chưa chấm dứt ở đây, vì quyển này được nhiều người sử dụng để viết về HPB, trong đó có sách When Daylight Comes của Howard Muffet. vì vậy bạn đọc nên lưu ý.
Còn thư trong A Modern Priestess of Isis, thì sách được xuất bản sau khi HPB qua đời do đó không thể đối chất. Chỉ có lời của tác giả Solovioff nói rằng thư do HPB viết, mà ông không thể đưa bản chính để chứng thực cũng như không có bản sao. Hoàn toàn không có tờ nào cho ta cầm lấy mà chỉ có chữ in trong sách. Một nhân vật đương thời là tiến sĩ A.L.Rawson từng quen biết với bà, viết sau khi bà mất là:
– Bà Blavatsky là nạn nhân của lời phỉ báng độc ác trong nhiều năm, nhưng bà bắt buộc tôi phải giữ yên lặng trong khi một lời là đủ để thanh minh cho bà.